Đội QLTT số 1 xử lý nhiều vụ việc vi phạm về giả mạo nhãn hiệu
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra 292 vụ, phát hiện 176 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thu nộp ngân sách gần 1,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp là 38 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 434.000.000 đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm với trị giá 163.576.000 đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu thuộc nhóm hàng thời trang như mắt kính, túi xách, giày dép, quần áo… Mới đây nhất, ngày 24/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra, tạm giữ 20 cái áo các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hiện Đội Quản lý thị trường số 1 đang làm việc với đại diện chủ thể quyền để làm rõ hành vi vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử cũng kéo theo những vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu trên môi trường số. Nguyên nhân chính là do nhiều người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được đầy đủ hậu quả của việc kinh doanh cũng như sử dụng hàng giả mạo nhãn hiệu sản phẩm. Một bộ phận người dân có tâm lý thích dùng “hàng hiệu” trong khi thu nhập hạn chế nên tìm mua sản phẩm giả khiến tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có điều kiện phát triển... Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng đã phát hiện, xử lý 05 vụ việc buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet, thu phạt 115.000.000 đồng.
Hàng hóa vi phạm bị buộc tiêu hủy
Đơn cử, ngày 10 tháng 5 năm 2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện Hộ kinh doanh H. N, đang livestream bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu qua mạng xã hội Facebook. Qua xác minh, làm việc với đại diện chủ thể quyền của các nhãn hiệu và các tài liệu chứng cứ, Đội Quản lý thị trường số số 1 đã hoàn chỉnh hồ sơ, trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường số tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh H.N về 2 hành vi: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (giả mạo nhãn hiệu) trên môi trường internet. Tổng số tiền phạt là 21.000.000 đồng, buộc tiêu hủy tang vật là 83 cái mắt kính các loại.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống kinh doanh, tiêu thụ hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục bám sát chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai và UBND thành phố Pleiku, tăng cường công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng nắm bắt, hiểu biết hơn về các quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm, tái phạm về kinh doanh hàng giả mạo sản phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kịp thời răn đe các đối tượng kinh doanh vi phạm pháp luật, góp phần thay đổi thói quen, tâm lý mua sắm, sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trên thế giới cùng sự tích cực khi tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Các FTA này đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế của nước ta, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo ra một môi trường giao thương buôn bán năng động cũng như thu hút đầu tư nước ngoài, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đó, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu càng trở nên cấp thiết, cần sự phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và sự vào cuộc của toàn xã hội. Doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh mạng lưới kênh phân phối chất lượng nhằm hạn chế sự xâm phạm nhãn hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên ngành chức năng để bảo vệ thương hiệu.
Bình luận