Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
Sáng ngày 27/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với 443/456 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành.
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Nới lỏng điều kiện thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
Quy định mới mở rộng phạm vi, chỉ cần là người lao động Việt Nam thì đều có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Bổ sung hồ sơ gia nhập Công đoàn với Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp, tự nguyện, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam. Hồ sơ gia nhập bao gồm văn bản đề nghị, bản sao văn bản hợp pháp, danh sách thành viên, và các văn bản liên quan khác.
Bổ sung thêm quyền của Đoàn viên công đoàn
Ngoài 07 quyền lợi được quy định tại Luật Công đoàn năm 2012 thì Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung thêm 04 quyền lợi của Đoàn viên công đoàn, như sau:
1. Chất vấn Ban chấp hành công đoàn, Chủ tịch công đoàn.
2. Được hưởng chính sách chăm lo phúc lợi, thuê nhà ở xã hội (nhà lưu trú) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
3. Được tuyên dương khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn.
4. Các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Bổ sung trường hợp doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn
- Trường hợp được miễn đóng kinh phí công đoàn:
Doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã có tài sản sau khi phân chia mà không đủ số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.
Tuy nhiên, khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện vẫn còn khả năng đóng thì sẽ thực hiện truy thu, truy đóng và xử lý theo quy định pháp luật.
- Trường hợp được giảm mức đóng kinh phí công đoàn:
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
- Trường hợp được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn:
Người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được tạm dừng đóng trong thời gian không quá 12 tháng.
Duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn
Dự thảo Luật quy định tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%,
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ…
Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2025.