Quy định mới về hồ sơ nguồn gốc lâm sản, có hiệu lực từ ngày 15/02/2023
Thông tư 26 giải thích rõ từ ngữ, cách xác định số lượng, khối lượng lâm sản; bảng kê lâm sản; trình tự, thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường; quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, bao gồm: Hồ sơ nguồn gốc lâm sản; hồ sơ lâm sản khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển trong nước và xuất khẩu; hồ sơ lâm sản tại nơi chế biến, kinh doanh, cất giữ, nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng; quy định về đánh dấu mẫu vật; quy định về kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản... Theo đó, bổ sung đối tượng lập bảng kê lâm sản, cụ thể:
1. Đối tượng lập bảng kê lâm sản
Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 26, đối tượng lập bảng kê lâm sản bao gồm:
- Chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền lập sau khi khai thác;
- Chủ lâm sản lập khi bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản;
- Người có thẩm quyền lập khi lập hồ sơ xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến lâm sản;
- Cơ quan được giao xử lý tài sản sau xử lý tịch thu lập khi bán đấu giá.
2. Lập bảng kê lâm sản
- Tổ chức, cá nhân quy định nêu trên lập Bảng kê lâm sản tương ứng theo các Mẫu số 01, 02, 03, 04 và 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26:
+ Ghi chi tiết đối với khúc, lóng gỗ tròn, gỗ đẽo tròn có kích thước theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 26; gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp có chiều dài từ 1m trở lên, chiều rộng từ 20 cm trở lên, chiều dày từ 5 cm trở lên; gỗ xẻ, gỗ đẽo thành hình dạng khối trụ đa giác khác.
+ Ghi tổng hợp chung số lượng, khối lượng đối với gỗ tròn không đủ kích thước quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 26; gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp có chiều dài dưới 1m, chiều rộng dưới 20 cm, chiều dày dưới 5 cm; gỗ rừng trồng.
+ Ghi chi tiết hoặc ghi tổng hợp chung số lượng, khối lượng đối với từng loại lâm sản ngoài gỗ phù hợp với thực tế.
+ Tại cuối mỗi trang của Bảng kê lâm sản ghi tổng khối lượng lâm sản;
- Tổ chức, cá nhân lập bảng kê lâm sản chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung kê khai và nguồn gốc lâm sản hợp pháp tại Bảng kê lâm sản.
Bãi khai thác, tập kết gỗ. Ảnh minh họa
3. Đối tượng, hình thức kiểm tra nguồn gốc lâm sản
Điều 25 Thông tư 26 quy định đối tượng được kiểm tra: Tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, mua bán, chuyển quyền sở hữu lâm sản, xuất khẩu, nhập khẩu, cất giữ lâm sản, nuôi động vật rừng, trồng thực vật rừng và đánh dấu mẫu vật.
Hình thức kiểm tra: Kiểm tra theo kế hoạch và Kiểm tra đột xuất.
4. Nội dung kiểm tra nguồn gốc lâm sản
Nội dung kiểm tra nguồn gốc lâm sản quy định tại Điều 26 Thông tư 26, bao gồm:
- Đối với khai thác lâm sản: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác lâm sản theo Quy chế quản lý rừng và quy định tại Chương II Thông tư này và lâm sản khai thác thực tế tại hiện trường.
- Đối với lâm sản khi nhập khẩu, xuất khẩu: Kiểm tra hồ sơ lâm sản theo quy định tại Điều 16 và Điều 19 Thông tư 26 và lâm sản thực tế tại cửa khẩu.
- Đối với vận chuyển lâm sản: Kiểm tra việc chấp hành quy định về hồ sơ lâm sản trong quá trình vận chuyển theo quy định tại Điều 18 Thông tư này và lâm sản trên phương tiện vận chuyển.
- Đối với cơ sở chế biến, kinh doanh, cất giữ gỗ, lâm sản: Kiểm tra việc chấp hành quy định về hồ sơ lâm sản theo quy định tại Điều 20 Thông tư 26 và lâm sản hiện có tại cơ sở.
- Đối với cơ sở nuôi động vật rừng, động vật thuộc Phụ lục CITES; cơ sở trồng các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc thực vật thuộc Phụ lục CITES: Kiểm tra việc chấp hành quy định về hồ sơ lâm sản theo quy định tại Điều 21 Thông tư 26 và động vật, thực vật đang nuôi, trồng tại cơ sở.
- Đối với nơi cất giữ lâm sản: Kiểm tra hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư 26 và lâm sản hiện có.
Vận chuyển gỗ. Ảnh minh họa
5. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Lực lượng Quản lý thị trường
Đối với chế tài xử phạt vi phạm hành chính, Lực lượng Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt tại Điều 23 và 24 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Theo đó: Hành vi tàng trữ, mua, bán, chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ đó, bị xử phạt tại Điều 23 (Tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật).
Chủ lâm sản vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến thực vật rừng ngoài gỗ; động vật rừng hoặc bộ phận, sản phẩm của chúng có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản hợp pháp; Chủ lâm sản vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến gỗ rừng trồng, gỗ vườn nhà, cây trồng phân tán có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản hợp pháp; Người điều khiển phương tiện, chủ lâm sản không xuất trình hồ sơ lâm sản trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm kiểm tra cho người có thẩm quyền khi kiểm tra phương tiện vận chuyển lâm sản, bị xử phạt tại Điều 24 (Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản).
Bình luận