Ban chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai tổng kết công tác năm 2021, Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu các thành viên tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử
Trong năm 2021, các lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389 tỉnh Gia Lai đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.789 vụ với 2.534 đối tượng vi phạm (giảm 206 vụ); khởi tố hình sự 89 vụ với 90 đối tượng (số vụ khởi tố hình sự tăng 14 vụ, giảm 26 đối tượng); nộp ngân sách nhà nước hơn 40,6 tỷ đồng (tăng hơn 800 triệu đồng). Trong đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện và bắt giữ 40 vụ, Công an 293 vụ, Hải quan 25 vụ, Quản lý Thị trường 1.122 vụ, Thuế 740 vụ, Kiểm lâm 437 vụ, Thanh tra chuyên ngành 132 vụ. Trong tổng số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý có 782 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 1.984 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 23 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong năm qua, sự phối hợp trong công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu trên các tuyến biên giới giữa các lực lượng chức năng đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ mang lại hiệu quả tích cực trong bắt giữ các vụ việc vi phạm.
Năm 2022, BCĐ 389 tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Tăng cường công tác trinh sát, phối hợp hiệu quả, nắm chắc địa bàn, tuyến đường trọng điểm, khu vực biên giới, cửa khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà kho, bến bãi, nơi tập kết hàng giả, hàng lậu quy mô lớn… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu, hoạt động gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng gỗ, thuốc lá ngoại nhập lậu, rượu ngoại, pháo, sữa, phân bón, xăng dầu, khí, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm, xa xỉ phẩm, mặt hàng dùng cho công tác phòng - chống dịch Covid-19…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: Bước sang năm 2022, trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người dân, có thể làm phát sinh những hành vi vi phạm trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Do đó, các ngành cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để thực thi nhiệm vụ, không để phát sinh các tụ điểm tàng trữ, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn quản lý. Các cơ quan chức năng cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; góp phần bảo đảm bình ổn giá, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 đã làm hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tạo ra cơ hội lớn trong kinh doanh online. Vì vậy các ngành cần tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử để ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xây dựng mạng lưới thông tin tố giác các hành vi vi phạm từ người dân để hỗ trợ cho các ngành chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
Bình luận